Đường dây nóng trực PCCCR: 0986 68 17 69

25/04/2024 07:04:20

8 tháng, gần 200 vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã

        (HQ Online)- Ngày 17-9, tại TP.HCM, Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam”.

        Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với các đơn vị bắt giữ 4 vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã quy mô lớn, trong đó có 3 vụ phát hiện trong tháng 8, tang vật thu được gồm 142 kg sừng tê giác, trên 2,5 tấn ngà voi và 4 tấn vảy tê tê.

        Điển hình như vụ khám xét container nhập khẩu qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 4 tấn vảy tê tê. Ngoài ra, trên tuyến đường hàng không các đối tượng cũng dùng mọi thủ đoạn để đưa trái phép các động vật hoang dã và các sản phẩm khác của động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

       Trong tháng 8, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Nội Bài bắt một vụ khoảng 5kg sừng tê giác, trên 100kg ngà voi; Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bắt giữ 7 vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã, tang vật gồm trên 50kg ngà voi, sừng tê giác và gần 50kg vảy tê tê...

       Không chỉ phức tạp trong việc nhập khẩu các sản phẩm động vật hoang dã, trong nội địa, tình trạng buôn bán động vật hoang dã tuy có giảm về số vụ, nhưng vẫn phức tạp.Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong thời gian từ ngày 1-1-2014 đến ngày 30-6-2015 lực lượng Kiểm lâm toàn quốc đã phát hiện và xử lí 651 vụ vi phạm quản lí động vật hoang dã.

       Trong đó, có 98 vụ vi phạm vận chuyển trái phép đối với động vật thuộc nhóm quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng như: hổ, báo, tê tê, rùa nước ngọt. Trong 8 tháng đầu năm 2015, lực lượng Kiểm lâm đã xử lí 192 vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép, trong đó khởi tố hình sự 7 vụ.

       Theo đánh giá của Cục Kiểm lâm, mặc dù tình hình buôn bán, vận chuyển các loài động vật hoang dã có giảm về số vụ nhưng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi để đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng chức năng khác như: thay đổi thời gian, địa điểm, cung đường vận chuyển, sử dụng biển số giả, đặc biệt một số vụ vi phạm do giá trị tang vật rất lớn nên các đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện…

       Trong khi đó, theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, việc áp dụng các quy định pháp luật còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như: Điều 190 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với tội vi phạm các quy định về bảo vệ động thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ thì cấu thành hình thức, không phải xem xét đến tính chất, mức độ, hậu quả đều bị xem xét xử lí hình sự.

       Tuy nhiên, hiện nay còn vướng mắc khi điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm này vì chưa có quy định cụ thể về hậu quả.

       Việc bảo quản tang vật thuộc phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhập khẩu trái phép về Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất bảo quản, cán bộ quản lí chưa được đào tạo cơ bản.

      Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, tuy phát hiện được nhiều vụ vi phạm, nhưng cơ quan Hải quan cũng gặp khó khăn do vướng quy định về các khung hình phạt thế nào là rất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đối với các đối tượng buôn bán, vận chuyển các sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm khác từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, không có quy định cụ thể về định lượng, trị giá hàng cấm nên cũng rất khó khăn trong định giá hàng vi phạm.

      Tại hội thảo, các đơn vị hải quan địa phương, cơ quan Cảnh sát môi trường- Bộ Công an, Cục Kiểm lâm... đã thảo luận và trao đổi một số kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên tuyến hàng không, đường biển và trong nội địa.../.

Nguồn: Báo Hải quan Online.

Liên kết

Thống kê Website

Đang online
Hôm nay
24h qua
Total
Your IP18.225.255.134