Đường dây nóng trực PCCCR: 0986 68 17 69

29/03/2024 14:03:08

Những nỗ lực trong quản lý, bảo vệ Vườn quốc gia Bù Gia Mập

          Vườn quốc gia Bù Gia Mập (gọi tắt là vườn) là khu vực rất quan trọng và đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên về rừng, gen động - thực vật quý hiếm của quốc gia. Tuy nhiên, khi rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh hầu như bị thu hẹp thì vườn quốc gia là “miếng mồi ngon” cho lâm tặc và những kẻ phá rừng lấy đất. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở vườn quốc gia đã được chú trọng nhưng vẫn gặp không ít khó khăn.

          NỖ LỰC BẢO VỆ RỪNG

       Vườn quốc gia Bù Gia Mập có diện tích 25.788,6 ha nằm trải rộng trên địa bàn các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập và xã Quảng Trực của tỉnh Đắk Nông. Ban quản lý Vườn quốc gia chỉ có 98 người, cùng với khoảng 300 lao động nhận khoán để làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Trong những năm qua, từ sự nỗ lực và quyết tâm của các lực lượng, rừng ở vườn quốc gia vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2014 không xảy ra phá rừng, cháy rừng, công tác tuần tra, truy quét được tiến hành thường xuyên. Đến nay, vườn đã hoàn thành quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Bù Gia Mập đến năm 2020; hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đường tuần tra phía nam; chuẩn bị đầu tư xây dựng hồ chứa nước suối Mít. Ngoài ra, vườn còn tạo vườn ươm cây giống như gõ, sao, dầu... để trồng trong các khu vực đất trống, bổ sung nguồn cây cho rừng về lâu dài.

       Trong những tháng mùa khô việc phòng chống cháy rừng được đặc biệt quan tâm, nhất là những khu vực giáp ranh với vườn rẫy của dân. Hạt kiểm lâm huyện đã bố trí, sắp xếp cán bộ thường trực tại 4 chốt thuộc các đường dẫn vào khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của vườn. Đồng thời, hạt cũng đã thành lập 2 chốt bảo vệ rừng ở các điểm nóng khai thác gỗ trái phép nằm giáp ranh tỉnh Đắk Nông. Công tác tuyên truyền được vườn và hạt chú trọng, nhất là đối với cư dân sống trong vùng đệm. Ngoài việc xây dựng các bản tin tuyên truyền trên đài các xã vùng đệm phát vào sáng sớm và chiều tối (bằng cả tiếng dân tộc thiểu số), vườn còn tuyên truyền lưu động, tổ chức các cuộc thi về pháp luật bảo vệ rừng cho học sinh các xã vùng đệm.

          VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Năm 2014, vườn đã tổ chức cứu chữa, chăm sóc, nuôi dưỡng, thả vào rừng 5 con vượn má đen vàng, 5 con rùa núi vàng, 1 kỳ đà, 1 heo rừng; cứu hộ và thả 2 con khỉ đuôi lợn, 2 con vượn, 2 chim nhồng, 2 cầy vòi hương, 1 con chim hồng hoàng. Ngoài ra, vườn cũng đã chăm sóc 22 cá thể động vật hoang dã do Công an huyện Bù Gia Mập gửi và làm thủ tục bàn giao lại 12 cá thể... Ngày 5-8-2015, người dân đã tự nguyện giao 1 cá thể vượn đen má vàng và 1 con chà vá chân đen cho vườn để thả về rừng tự nhiên. Đây là hai loài động vật quý hiếm.

       Đến thăm và tìm hiểu công việc tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, chúng tôi cảm nhận được tính chuyên nghiệp của những người giữ rừng nơi đây. Tuy vậy, khó khăn, gian nan đối với họ thật không phải ít, nhất là khi phải đối mặt với lâm tặc, làm nhiệm vụ nơi rừng sâu hẻo lánh, đối mặt với bệnh tật... Một kiểm lâm viên cho biết, mùa khô thì vất vả trong việc phòng chống cháy, mùa mưa đi tuần tra cũng gian nan như đi “đánh trận”. Năm 2014, qua tuần tra tại khu vực sát bờ sông Đắk Huýt, ranh giới giữa Vườn quốc gia Bù Gia Mập với Campuchia lực lượng phát hiện 3 cây gỗ cẩm lai có khối lượng hơn 1m3 bị khai thác trái phép; tại Tiểu khu 21 có 2 cây ươi bị lâm tặc cưa hạ để thu hái trái. Theo báo cáo của vườn, năm vừa qua, số gỗ bị khai thác trái phép đã giảm nhiều so với năm 2013. Qua các vụ việc vi phạm, vườn đã tịch thu 11 xe gắn máy, 9 máy cưa, một khẩu súng thể thao, tiêu hủy một điện thoại cũ có ghi âm tiếng chim hót để bẫy chim chích chòe lửa; tịch thu và thả về rừng nhiều loại thú và chim quý hiếm.

       Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết, thời gian qua, trên lâm phần của vườn còn xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tình trạng săn bắn, bẫy động vật hoang dã vẫn còn diễn ra phức tạp do đời sống người dân ở khu vực giáp ranh còn khó khăn nên họ còn lén lút vào rừng. Công tác hỗ trợ các thôn vùng đệm ở 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập còn hạn chế. Năm 2015, vườn tiếp tục duy trì 13 cộng đồng, đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng, đồng thời xúc tiến thiết kế lại diện tích; đầu tư cho 11 thôn vùng đệm và bổ sung thêm 1 thôn mới tách của xã Đắk Ơ vào danh sách hỗ trợ phát triển cộng đồng. Vườn đang tiếp tục xây dựng 3-5 đề tài khoa học cấp tỉnh và cấp bộ, trong đó ít nhất có 2 đề tài ứng dụng thực tiễn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Nguồn: Báo Bình Phước Online.

Liên kết

Thống kê Website

Đang online
Hôm nay
24h qua
Total
Your IP34.200.219.10