Đường dây nóng trực PCCCR: 0986 68 17 69

23/04/2024 15:04:43

Tái diễn nạn chặt phá rừng Cà Mau

        Trước đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn “nóng” về tình trạng tàn phá nhiều cánh rừng ngập mặn quý giá. Sau thời gian siết chặt quản lý, tình hình có lắng dịu. Thế nhưng gần đây, nạn phá rừng có dấu hiệu tái diễn…

        Tàn phá rừng… sân chim

        Sân chim Đầm Dơi (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi) được xác định là khu rừng đặc dụng có diện tích 127ha. Từ năm 2011, UBND tỉnh Cà Mau giao Sân chim Đầm Dơi cho Công ty TNHH Trường Khánh (ở xã Tắc Vân, TP Cà Mau) đầu tư làm khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi động vật hoang dã. Theo cam kết, nhà đầu tư sẽ hoàn thành dự án vào năm 2016.

Cây rừng bị chặt phá tại khu rừng đặc dụng Sân chim Đầm Dơi

        Thế nhưng, những ngày đầu tháng 1 này, chúng tôi trở lại Sân chim Đầm Dơi và chứng kiến nơi đây còn… “tàn” hơn trước. Hiện tại, không thấy dấu hiệu gì về dự án du lịch sinh thái, ngoài tấm bảng quy hoạch dựng phía trước đường ra vào sân chim. Trên chiếc vỏ lãi, chúng tôi chạy vào con rạch nhỏ cách sông Đầm Dơi chừng 300m, bên ngoài nhìn vào thấy cây cối ở khu rừng đặc dụng của sân chim phát triển tốt, nhưng đi sâu vào trong mới phát hiện nhiều cây rừng có độ tuổi khoảng 20 năm bị chặt phá còn trơ gốc. Một cán bộ của Hạt kiểm lâm Đầm Dơi cho biết, Chi cục Kiểm lâm Cà Mau vừa yêu cầu đóng chốt tại đây để giữ rừng 24/24 giờ vì gần đây xuất hiện các đối tượng bên ngoài vào “tàn sát” sân chim.

        Công ty TNHH Trường Khánh có hợp đồng “mua bán củi đước” tại Sân chim Đầm Dơi với đối tác khác và đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm vì trước đây UBND tỉnh chỉ giao sân chim cho công ty khai thác du lịch, còn chuyện tác động đến khu rừng đặc dụng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sở đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, giám sát chặt chẽ khu rừng đặc dụng tại Sân chim Đầm Dơi, không để tái diễn tình trạng chặt phá cây, làm suy giảm đa dạng sinh học, môi trường rừng. Sở cũng yêu cầu lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an địa phương điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ khai thác rừng trái phép xảy ra tại Sân chim Đầm Dơi, xác định mức độ lâm sản thiệt hại, đối tượng vi phạm để có hướng xử lý”.

        Tự ý vào rừng phân ranh

        Tình trạng chặt phá cây rừng cũng diễn ra nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Mới đây, hàng chục hộ dân đem cưa, búa… vào khu rừng phòng hộ (ngập mặn) trên địa bàn xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) để phân chia đất rừng, nuôi ốc len. Dù đây là rừng phòng hộ có tác dụng ngăn sóng, chống xói lở được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng người dân vẫn “vô tư” xâm chiếm. Rất may, sự việc được chủ rừng và Hạt kiểm lâm huyện Phú Tân phát hiện kịp thời nên không gây hậu quả nghiêm trọng.

        Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển và trên địa bàn có những khu rừng quan trọng như Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, rừng phòng hộ ven biển… Hàng năm, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, tình hình chặt phá cây rừng để hầm than tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và các tuyến rừng phòng hộ ven biển lại nổi lên, “nóng nhất” là các tuyến Trại Xẻo đến Cồn Cát (xã Viên An), khu vực rừng quốc doanh tuyến So Đũa (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi)… Trước tình trạng này, ông Lê Văn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết đã yêu cầu Hạt kiểm lâm huyện, trưởng ban quản lý rừng đóng trên địa bàn phối hợp với địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên kiểm tra, truy quét các đối tượng phá rừng hầm than trái phép, xử lý nghiêm để răn đe…

      Trước đây, từng xảy ra “điểm nóng” phá rừng tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và các khu rừng khác khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong quản lý và bảo vệ 

Nguồn: Báo Sai Gòn Giải Phóng

Liên kết

Thống kê Website

Đang online
Hôm nay
24h qua
Total
Your IP3.145.203.23