1. Khái quát đặc điểm, nội dung và tính chất hoạt động của Chi cục Kiểm lâm vùng III
1.1. Vị trí, chức năng, phạm vi hoạt động
Chi cục Kiểm lâm vùng III là đơn vị trực thuộc Cục Kiểm lâm, có trụ sở đóng tại thành phố Hồ Chí Minh. Chi cục Kiểm lâm vùng III được thành lập theo Quyết định số 5666/QĐ-BNN-TCCB ngày 27 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm vùng III trực thuộc Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp.
Chi cục Kiểm lâm vùng III thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng cục Kiểm Lâm, Tổng cục lâm nghiệp.
Phạm vi hoạt động của Chi cục Kiểm lâm vùng III gồm 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Các tỉnh này thuộc khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, có tổng diện tích rừng là 749.031 ha chiếm 5,4% diện tích rừng so với cả nước, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, giữ gìn về An ninh, Quốc phòng, bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội. Rừng ở đây phong phú về hệ động, thực vật; đa dạng về mặt sinh học, nhiều kiểu trạng thái rừng khác nhau, phân bố theo điều kiện lập địa như: rừng thường xanh (Bình Phước), rừng ngập mặn (Cần Giờ), rừng tràm ngập nước ở các tỉnh Miền tây... rừng ngập mặn Cần Giờ, Cà Mau và Vườn quốc gia Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển được quốc tế công nhận. Rừng có tính đa dạng sinh học cao, phong phú về loài, nguồn gen động, thực vật đặc hữu quý hiếm với số lượng lớn như bò sát, linh trưởng, chim, cá... Các loài nguy cấp quý hiếm như: Tê giác, Voi ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp. Với sự đa dạng phong phú về hệ động, thực vật và các loài đặc hữu quý hiếm trên, rừng trong khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt cần phải được bảo vệ và phát triển.
1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn
Với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của rừng trong khu vực, vì vậy Bộ Nông nghiệp & PTNN đã thành lập Chi cục Kiểm lâm vùng III (trực thuộc Cục Kiểm lâm) là cánh tay nối dài của Cục tại khu vực phía Nam, tham mưu giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 619/QĐ-TCLN-VP ngày 30/12/2014 của Tổng cục Lâm nghiệp về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm vùng III bao gồm:
1.2.1. Tham mưu giúp Cục trưởng
a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản thuộc phạm vi của Chi cục;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế độ, chính sách về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản;
c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Chi cục;
c) Kiểm tra, xử lý kịp thời các thông tin tại vùng trọng điểm và các điểm nóng về phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật;
d) Hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tiêu cực và chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của lực lượng Kiểm lâm theo phân công của Cục trưởng.
1.2.2. Thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi của Chi cục
a) Về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng:
- Triển khai thực hiện các dự án, phương án về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt;
- Thông tin, cảnh báo, dự báo, nguy cơ cháy rừng và kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hoạt động về phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Kiểm tra các hoạt động về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.
b) Về phát triển rừng:
- Tham gia kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý giống, kiểm nghiệm chất lượng, khảo cứu, thực nghiệm giống cây lâm nghiệp mới;
- Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch phát triển rừng thuộc phạm vi quản lý của Chi cục;
- Phối hợp với cơ quan bảo vệ thực vật trong phòng, trừ sinh vật hại rừng.
c) Về quản lý rừng:
- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo về công tác giao rừng, cho thuê rừng và nương rẫy; tham gia theo dõi, cập nhật diễn biến tài nguyên rừng;
- Thống kê, thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;
d) Xử lý vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật.
1.2.3. Phối hợp với Kiểm lâm địa phương thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản;
b) Tham gia kiểm tra, truy quét các trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật theo sự phân công của Cục trưởng hoặc theo đề nghị của Kiểm lâm địa phương;
c) Thường trực về lực lượng, phương tiện, thiết bị chuyên dùng sẵn sàng cơ động chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý hoặc khi có lệnh điều động của Cục trưởng Cục Kiểm lâm;
1.2.4. Thực hiện tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành
a) Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành cho lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng cơ sở.
b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan và Kiểm lâm địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng cơ sở.
1.2.5. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
a) Thực hiện các đề tài; dự án; ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản và giống cây lâm nghiệp trên địa bàn quản lý;
b) Tham gia các chương trình dự án do quốc tế tài trợvà các hoạt động quốc tế khác theo sự phân công của Cục trưởng.
1.2.6. Tổ chức dịch vụ công
a) Tư vấn đầu tư, dịch vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản;
b) Sản xuất, cung ứng giống các loài động vật, thực vật rừng;
c) Cung ứng các loại công cụ, trang thiết bị chuyên dùng về bảo vệ rừng.
1.2.7. Quản lý, trình Cục trưởng đề án vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng công chức, viên chức; quản lý công chức, viên chức và hồ sơ theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật theo phân cấp của Cục trưởng và các quy định hiện hành của Nhà nước.
1.2.8. Quản lý tài chính, tài sản, phương tiện, trang thiết bị và nguồn lực khác theo quy định của pháp luật; thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; cải cách hành chính theo quy định của Nhà nước.
1.2.9. Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chi cục.
Đang online | ||
Hôm nay | ||
24h qua | ||
Total | ||
Your IP | 3.14.244.40 |