Khu vực các tỉnh Nam Bộ do Kiểm lâm vùng III phụ trách gồm 22 tỉnh, thành phố. Theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 3322/QĐ-BNN-TCLN ngày 28 tháng 7 năm 2014, đến cuối năm 2013, tổng diện tích đất có rừng trong khu vực là 1.793.605 ha (chiếm 12,85% so cả nước), bao gồm: rừng tự nhiên 1.228.114 ha, rừng trồng 565.491 ha; trong đó diện tích cao su, cây đặc sản 165.410 ha, độ che phủ rừng 20,53%.
Địa hình trong khu vực tương đối bằng phẳng, nhiều tỉnh có rừng giáp với biên giới Campuchia, giáp với biển Đông… được chia thành 2 vùng địa lý khác nhau: vùng Đông Nam Bộ diện tích rừng còn tương đối lớn, địa hình đồi núi phức tạp, chủ yếu là rừng tự nhiên, bao gồm rừng gỗ, rừng tre nứa, lồ ô, rừng hỗn giao, một số ít các diện tích rừng ngập mặn và rừng trên núi đá, một số tỉnh có nhiều dạng địa hình như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước…; Tài nguyên rừng ở khu vực này có hệ sinh thái rừng rất phong phú và đa dạng…, nhiều loài động, thực vật quý, hiếm có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn rất cao như Giáng hương, Gõ, Trắc, Sơn huyết, Sao, Dầu, Căm xe, Voi, Bò tót…Vùng Tây Nam Bộ gồm các tỉnh có địa hình tương đối đồng nhất hơn, chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ rất thấp, có những tỉnh không có rừng tự nhiên như Đồng Tháp và Tiền Giang. Đối tượng rừng ở đây chủ yếu là rừng Tràm có tầng tích tụ than bùn và thảm mục rất dày; đây cũng vùng sinh thái đặc trưng riêng cho khu vực Tây Nam Bộ, nhưng cũng gây khó khăn trong công tác chữa cháy vì xảy ra hiện tượng cháy ngầm. Ngoài ra, cũng có một số diện tích rừng gỗ hỗn giao nhưng tỷ lệ rất ít được phân bố ở An Giang, Kiên giang.
Tình hình quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản ở các tỉnh có nhiều đặc điểm khác nhau, việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, chống người thi hành công vụ thường xuyên xảy ra. Khu vực giáp ranh với nhiều tỉnh có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc cao, chung đường biên giới dài…. người dân Campuchia thường xuyên xâm nhập biên giới để khai thác trái phép lâm sản, mua bán trái phép động vật hoang dã. Việc xây dựng các dự án thủy điện làm cho đất sản xuất của nhân dân bị thu hẹp, dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, áp lực dân số lên tài nguyên rừng ngày càng lớn do tăng dân số tự nhiên và cơ học, dân thiếu đất canh tác ở một số nơi do tách hộ, dân di cư tự do từ nơi khác đến. Giá trị lâm sản các loại, nhất là các loại nguy cấp, quý, hiếm tăng cao. Đây là nguyên nhân làm cho tình hình phá rừng ở một số địa phương, nhất là các vùng giáp ranh các tỉnh vẫn còn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng; tình trạng buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã nguy, cấp, quý, hiếm có diễn biến phức tạp. Diện tích rừng mới trồng, rừng non khoanh nuôi và rừng thứ sinh nghèo kiệt ngày một tăng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật ngày càng gia tăng; những hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép còn xảy ra bằng nhiều biện pháp tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người địa phương cấu kết với một số đối tượng bên ngoài để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép.
Trước thực trạng đó, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, năm 2011 Kiểm lâm vùng III đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm vùng III và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Nam Bộ trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và được các Chi cục Kiểm lâm trong vùng nhất trí cao và triển khai ký kết thực hiện, Quy chế phối hợp được thực hiện theo nguyên tắc:
- Hoạt động phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm vùng III với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy sức mạnh của hệ thống Kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương và của các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động phối hợp phải có phương án, kế hoạch cụ thể. Trong quá trình phối hợp phải đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nguyên tắc bí mật thông tin nghiệp vụ, nhưng không tạo ách tắc trong việc thực hiện nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của nhau.
- Đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành, tập trung thống nhất của người có thẩm quyền theo phương án phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Nam bộ và Kiểm lâm vùng III trong công tác quản lý bảo vệ rừng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của lực lượng Kiểm lâm được pháp luật quy định.
Qua triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, tình hình chặt phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép đã từng bước được ngăn chặn, thiệt hại về rừng giảm so với những năm trước; công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng.
Hàng năm, Kiểm lâm vùng III chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tập huấn từ nguồn kinh phí do Cục Kiểm lâm phê duyệt và nguồn kinh phí của Ban Chỉ đạo Nhà nước về BV&PTR giai đoạn 2011-2020. Trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho nhiều đối tượng tham gia là cán bộ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của Khu bảo tồn, Vườn Quốc Gia, Công ty Lâm nghiệp, chủ rừng, cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã… trong khu vực. Chủ động xây dựng, phát hành quyển tài liệu sổ tay tuyên truyền Phòng cháy chữa cháy rừng, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm trong vùng tổ chức cấp phát cho cộng đồng dân cư, trường học, các xã có rừng trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tương này trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn, trang web của Kiểm lâm vùng III, chia sẽ những tài liệu liên quan về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý ĐVHD đến các học viên, các tổ bảo vệ rừng cộng đồng… thông qua đó để nâng cao nhận thức về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý ĐVHD
Ngay từ đầu mùa khô, Kiểm lâm vùng III phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm các tỉnh phía Nam tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ rừng, hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, phòng cháy, chữa cháy rừng, thông qua kết quả kiểm tra, các bên cùng thảo luận, đề xuất một số giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc mà các Chi cục Kiểm lâm gặp phải trong quá trình hoạt động của mình, đồng thời báo cáo Cục Kiểm lâm để có cơ sở chỉ đạo khắc phục những tồn tại, vướng mắc kịp thời. Vào các tháng cao điểm mùa khô, đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ lực lượng, máy móc và phương tiện phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại một số trọng điểm cháy các tỉnh như Bình Thuận, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau...phối hợp với các Chi cục Kiểm lâm trong vùng tổ chức trực 24/24 giờ, thu nhận các thông tin, báo cáo nhanh về tình hình cháy rừng từ các Chi cục Kiểm lâm, báo cáo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương, Cục Kiểm lâm xin ý kiến chỉ đạo. Công tác thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng được Kiểm lâm vùng III theo dõi thông tin trên ảnh MODIS về các điểm cháy trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đưa thông tin lên Website Kiểm lâm vùng III và thông báo nguy cơ cháy rừng đến Chi cục Kiểm lâm các tỉnh. Ngoài ra, đơn vị phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm các tỉnh xác minh làm rõ các thông tin của một số bài báo đăng tải thông tin có liên quan đến Luật bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương.
Nhìn chung từ khi ký kết Quy chế phối hợp giữa Kiểm lâm vùng III với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn ngày càng được chú trọng và tăng cường, bước đầu phát huy được sức mạnh của hệ thống Kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương và của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành, tập trung, thống nhất của người có thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong tổ chức bộ máy của lực lượng Kiểm lâm.
Đang online | ||
Hôm nay | ||
24h qua | ||
Total | ||
Your IP | 18.97.9.171 |