Đường dây nóng trực PCCCR: 0986 68 17 69

29/03/2024 15:03:18

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn diễn biến phức tạp

(ĐCSVN) - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong cuộc chiến chống nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý, nâng cao khung hình phạt để bảo vệ những loài nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng tang vật bị bắt giữ. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

Nhiều vụ việc nghiêm trọng

Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), từ năm 2010 đến cuối năm 2016, đơn vị này đã ghi nhận 36 vụ buôn bán, vận chuyển hổ và xương hổ. Trong đó, 28 vụ đã bị khởi tố và đưa ra xét xử, nhưng chỉ có 7 vụ có mức án phạt tù giam. Ngoài ra, ENV cũng đã ghi nhận 67 vụ buôn bán, vận chuyển ngà voi hoặc sừng tê giác trong giai đoạn này. Tuy nhiên, cũng chỉ 10 vụ có hình phạt tù giam trong tổng số 23 vụ án về ngà voi và sừng tê giác được đưa ra xét xử. Tình trạng này lại diễn ra trầm trọng hơn trong những tháng đầu năm 2017.

Cụ thể, ngày 9/1/2017, tại An Giang, Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn đã bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép 26 kg rắn, trong đó bao gồm 3 kg rắn hổ mang thường (Naja atra), trị giá 5 triệu đồng. Đối tượng khai nhận đã mua rắn từ một người bán rong. Đối tượng bị xử phạt 7,5 triệu đồng và các cá thể rắn đã được thả về Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 6/4/2017, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo và Công an huyện Côn Đảo đã bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái phép 30 quả trứng vích (Chelonia mydas). Từ lời khai của đối tượng, cả hai đối tượng cung cấp trứng cũng đã bị bắt. Ba đối tượng hiện đã bị khởi tố, vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Còn tại Bắc Giang, ngày 28/3/2017, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Giang đã kiểm tra một chiếc xe tải trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Lạng Giang và phát hiện trên xe có 3 kg rắn ráo (Ptyas korros), 5 cá thể rùa đất lớn (Heosemys grandis), 2 cá thể rùa núi viền (Manouria impressa), 4 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum), và 15 cá thể rùa cổ sọc (Mauremys sinensis). Đối tượng vận chuyển đã bị xử phạt 22 triệu đồng và các cá thể ĐVHD được chuyển giao về Trung tâm Bảo tồn Rùa thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương...

Đặc biệt, các vụ việc nuôi nhốt khỉ làm cảnh vẫn tiếp tục là một vấn đề nan giải. Trong bốn tháng đầu năm 2017, ENV đã tiếp nhận 68 vụ việc nuôi nhốt khỉ, trong đó các cơ quan chức năng đã tịch thu thành công 42 cá thể khỉ để chuyển giao đến trung tâm cứu hộ hoặc thả về tự nhiên.

Ngoài ra, một vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng trong hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD vừa được các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm. Đó là vụ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng đồng bọn vận chuyển, buôn bán sừng tê giác và một số sản phẩm từ ĐVHD. Ngày 27/4/2017, Phòng 2, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về buôn lậu (C74), phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Hà Đông, đã bắt giữ Nguyễn Mậu Chiến. Sau khi bắt quả tang đối tượng trong đường dây của Chiến vận chuyển trái phép 33 kg sừng tê giác tại Ga Hà Nội, các cơ quan chức năng đã khám xét khẩn cấp nơi ở của Chiến tại Hà Nội và tịch thu thêm ngà voi, sừng tê giác, 2 cá thể hổ con đông lạnh, một số sản phẩm chế tác từ ngà voi và nhiều sản phẩm khác từ ĐVHD.

Cần thiết áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, quyết liệt

Đánh giá về những vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, Phó Giám đốc ENV Bùi Thị Hà khẳng định, thời gian gần đây, nhiều vụ án được khám phá là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực điều tra triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác và các loài ĐVHD quý, hiếm khác theo tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 12/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó cũng cho thấy, loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cần thiết áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Cũng theo ENV, mặc dù đơn vị này đã thường xuyên triển khai những hoạt động nâng cao nhận thức và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

ENV cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động giáo dục cộng đồng về vấn đề này. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải giữ vững quan điểm “không khoan nhượng” đối với các hành vi nuôi nhốt ĐVHD làm cảnh. Thay đổi nhận thức không thể thành công một sớm một chiều; việc đó đòi hỏi quyết tâm cao và bền bỉ của các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu thụ ĐVHD dưới mọi hình thức.

Nhận định về nguyên nhân tình trạng tội phạm mua bán trái phép ĐVHD gia tăng, các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, việc buôn bán ĐVHD đã đem lại lợi nhuận khổng lồ, ước tính chỉ sau buôn bán trái phép chất ma túy. Vì thế, việc buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD vẫn là vấn nạn không của riêng quốc gia nào, nhất là những nước có nguồn sinh học đa dạng như ở Việt Nam. Các chuyên gia cũng cho rằng, khi đời sống của người dân ngày một nâng cao, nhu cầu nuôi thú cảnh cũng ngày càng phát triển. Do còn thiếu hiểu biết, nhiều người thường mua ĐVHD, trong đó có các loài khỉ về làm cảnh…

Bởi vậy, để ngăn chặn các tội phạm về ĐVHD, các cơ quan chức năng cần nỗ lực điều tra và truy bắt các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD. Nếu các cơ quan chức năng chỉ tập trung bắt giữ các đối tượng được thuê vận chuyển, các đối tượng trung gian hoặc buôn bán nhỏ (cấp thấp), những đường dây tội phạm này vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và phát triển. Ví dụ, việc phát hiện và thu giữ một khối lượng lớn ngà voi hoặc vẩy tê tê có thể gây ra một chút thiệt hại về tài chính cho các đường dây buôn bán ĐVHD. Thế nhưng, chỉ khi các cơ quan chức năng tiếp tục quyết liệt điều tra, bắt giữ và xử lý nghiêm kẻ đứng đằng sau những vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD bất hợp pháp thì mới hy vọng triệt tiêu hoàn toàn các đường dây tội phạm và giảm thiểu tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam./.

Bích Liên

Liên kết

Thống kê Website

Đang online
Hôm nay
24h qua
Total
Your IP18.232.187.47